amp-auto-ads

Tổ tiên là ai ? Nét văn hoá tín ngưỡng thờ tự của người Việt


 

❤ VĂN HOÁ TÍN NGƯỠNG THỜ TỰ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM 

  Trong mỗi người dân Việt Nam, kể từ khi chúng ta chập chững biết đi đến khi bắt đầu nhận thức được mọi sự vật xung quang hầu như ai cũng đã từng thấy nhà mình có một cái bàn thờ, trên đấy bày biện rất nhiều thứ nào là hàng câu đối,ngai, lư, đèn, bát hương và ảnh…Chắc bạn đã từng hỏi bố mẹ rằng đây là cái gì và được trả lời chung chung rằng “Đây là bàn thờ tổ tiên con à”, là nơi thờ tự tưởng nhớ đến những người đã khuất. Vậy thực sự đi sâu vào vấn đề, hôm nay Phong thuỷ Huyền không sẽ dẫn dắt bạn đến đáp án chi tiết cho câu hỏi “Tổ tiên ông bà là ai ? Tín ngưỡng thờ tổ tiên này có từ bao giờ, xuất phát từ đâu ?...

Tổ tiên ông bà là ai, văn hoá tín ngưỡng thờ tự của người Việt Nam

Tổ tiên ông bà là ai, văn hoá tín ngưỡng thờ tự của người Việt Nam

1. Tổ tiên là ai ?

“Tổ tiên” là một từ ghép hán việt gồm 2 từ “Tổ” và “Tiên”, theo quan niệm của người Việt Nam: “Tổ” là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ gọi chung là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ tỷ, bà cô, ông mãnh… là người đã trực tiếp hoặc gián tiếp sinh ra mình. Tổ cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại tại địa phương như: các vị “Thành hoàng làng”, những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như “Trần Hưng Đạo” đã được phong thánh được tổ chức cúng, giỗ vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Tổ trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là “Mẹ Âu Cơ”, còn là “Vua Hùng”, là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. “Tiên” là các chư vị thần thánh trong “Đạo giáo” như Hoàng thiên, hậu thổ,Táo quân,Diêm vương, Long thần, Ông địa, Thái tuế, nữ oai…(xuất phát từ thuyết “Tam thanh” truyền qua nước Việt từ xa xưa), “Phật giáo” như Phật tổ, Các vị Bồ tát…, “Công giáo” như Chúa, đức mẹ, các vị thánh, giáo hoàng... Tuỳ vào tín ngưỡng của gia đình hay tín ngưỡng của từng dân tộc hay đạo giáo mà họ theo.

2. Thế nào là tín ngưỡng ?

  Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào một điều gì đó hay một thuyết gì đó, để giải thích thế giới, để mang lại sự bình an cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng đôi khi được nhiều người hiểu nhầm là tôn giáo, thực tế thì cũng có sự tương đồng nhưng về cơ bản thì có sự khác biệt đặc trưng. Điểm khác biệt giữa tín ngưỡng và tôn giáo ở chỗ, tín ngưỡng mang tính dân tộc nhiều hơn tôn giáo và tín ngưỡng có tổ chức không chặt chẽ như các tôn giáo. 

  Khi nói đến tín ngưỡng người ta thường nói đến tín ngưỡng của một dân tộc hay một số dân tộc có một số đặc điểm chung, còn tôn giáo thì không mang tính dân tộc. Tín ngưỡng không có một hệ thống điều hành, không bị ràng buộc bởi các bộ luật như tôn giáo, nếu có thì hệ thống đó cũng lẻ tẻ và rời rạc. Tín ngưỡng nếu phát triển đến một mức độ nào đó thì có thể thành tôn giáo.

3. Tín ngưỡng thờ tổ tiên ông bà, cơ sở hình thành và xuất phát từ đâu ?

  Cơ sở bắt đầu cho sự hình thành tín ngưỡng xuất phát từ 3 yếu tố chính gồm:

* Yếu tố về tâm linh: Là cơ sở quan trọng đầu tiên cho việc hình thành bất cứ tín ngưỡng nào cũng là quan niệm tâm linh của con người về thế giới. Người Việt xuất phát từ nhận thức “vạn vật hữu linh” – mọi vật đều có linh hồn, và bắt đầu từ giới tự nhiên xung quanh mình, và linh hồn trở thành đầu mối của tín ngưỡng. Từ quan niệm đó hình thành nên niềm tin về sự tồn tại của linh hồn và mối liên hệ giữa người đã chết và người sống (cùng chung huyết thống). Người đã chết bằng linh hồn trở về chứng kiến, theo dõi hành vi của con cháu, quở trách hoặc phù hộ cuộc sống của họ.

* Yếu tố về văn hoá nội tâm: Ngoài lí do tin vào linh hồn thì ý thức tôn trọng cội nguồn và đức tính hiếu thảo của người Việt cũng là cơ sở quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, lúc họ đã chết cũng như khi còn sống đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm liên tục và lâu dài của con cháu đối với nhu cầu của tổ tiên. Trách nhiệm được biểu hiện không chỉ trong các hành vi sống (giữ gìn danh dự và tiếp tục truyền thống của gia đình, dòng họ, đất nước) mà còn ở trong các hành vi cúng tế cụ thể. Từ đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dần được hình thành.

* Yếu tố về văn hoá du nhập và sự đồng hoá: Như chúng ta đã biết, lịch sử Việt nam trải qua bao thăng trầm bởi cả nghìn năm đô hộ của các chế độ phong kiến Trung Quốc, trăm năm bởi chế độ thực dân Pháp, ngoài ra còn có các nước như Nhật, Mỹ nữa. Với cảnh là nước chư hầu hay nô lệ thì để dễ dàng cho việc cai quản cũng như an lòng người dân, họ đã truyền đạo cho người Việt nhằm đồng hoá. Chính vì vậy văn hoá tâm linh của nước ta chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều dòng tôn giáo nhưng nổi bật vẫn là 3 dòng tôn giáo chính đó là: Nho giáo (Khổng tử), Đạo giáo (thuyết hình thành nên Vũ trụ) và Phật giáo.

Nho giáo: Họ cho rằng sự sống của con người không phải do tạo hóa sinh ra càng không phải do bản thân tự tạo ra mà nhờ cha mẹ, sự sống của cha mẹ lại gắn với ông bà và cứ như vậy thế hệ sau kế tiếp thế hệ trước, vì thế mà thế hệ sau phải biết ơn thế hệ trước. Cùng với tư tưởng tôn quân, quyền huynh thế phụ đã củng cố thêm tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta.

Đạo giáo: Nếu như Khổng giáo đặt nền tảng lý luận về đạo đức, về trật tự kỉ cương xã hội cho tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt thì Đạo giáo góp phần củng cố niềm tin vào sự tồn tại và năng lực siêu nhiên của linh hồn những người đã chết thông qua một số nghi lễ thờ cúng như: gọi hồn, bùa chú, ma chay, tang lễ, mồ mả và đốt vàng mã. Những đấng tối cao sinh ra trời đất, cai quản vạn vật trên thế gian trong đó có con người chúng ta.

Phật giáo: Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự giữ gìn và phát triển tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam. Quan niệm của Phật giáo về cái chết, kiếp luân hồi và nghiệp báo. 

   Nói như vậy không có nghĩa là người Việt có sự sao chép y nguyên. Người Việt Nam quan niệm rằng cha mẹ tổ tiên luôn lo lắng, quan tâm  cho con cái ngay cả khi họ đã chết. Người sống chăm lo đến linh hồn người chết, vong hồn người chết sẽ phù hộ độ trì quan tâm đến sự sống của người đang sống. Khi mình sống tốt, mình quan tâm đến họ thì các đấng tối cao sẽ từ trên nhìn xuống soi xét và ban phát sức khoẻ và những điều may mắn cho họ.

4. Bản chất và thời điểm thờ cúng Tổ tiên

a) Bản chất của việc thờ cúng Tổ tiên.

 Với đạo lý uống nước nhớ nguồn nên thờ cúng tổ tiên thành cẩn là xuất phát từ lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt ngay từ lúc còn thơ bé. Vì vậy trong gia đình hình ảnh của những người đã khuất luôn luân hiện hữu và không xa rời đời sống của những thành viên trong gia đình và làng xã. Con người luôn luôn tồn tại hai phần đó là linh hồn và thể xác, thế giới hiện tại và thế giới siêu hình. Chết không phải là mất đi tất cả mà là một dạng chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác và tổ tiên cũng tồn tại ở một thế giới siêu hình mà con người không thể nhìn thấy được. Trong gia đình bàn thờ là nơi con cháu lưu giữ những hình ảnh thân thuộc nhất về những người đa khuất. Việc thờ cúng được lặp đi lặp lại như một công việc quen thuộc, khơi dậy trong con cháu muôn đời những kí ức về tổ tiên.

b) Thời điểm thờ cúng Tổ tiên.

  Đa phần người Việt (người Kinh là chủ yếu) thường thờ cúng Tổ tiên vào các ngày như: Tết, Giỗ, ngày Sóc và ngày Vọng hoặc bất cứ khi nào gia đình có việc gì cần khẩn cầu phù hộ như sinh con, đẻ cái, kết hôn, làm nhà, lập nghiệp, có trục trặc về sức khỏe…

Ngày Tết: Cũng như người Trung Hoa, người Việt rất coi trọng các ngày Tết cổ truyền như: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực, Tết Trung thu, Tết Trùng cửu, Tết Trùng thập…

Ngày Giỗ: Là ngày mất của người thân, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là kỵ nhật) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là ngày ta). Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào một thế giới siêu hình, đây là ngày con cháu tập trung hội tụ về thắp nén nhanh thơm tưởng nhớ đến họ, đây cũng là ngày đoàn tụ của các thành viên giúp họ kết nối, gắn kết mối quan hệ gia đình.

Ngày Sóc,Vọng: Ngày Sóc là ngày Mồng Một đầu tháng, ngày Vọng là ngày Rằm tức ngày 15 hàng tháng. Đây là những ngày đặc biệt là ngày họ xem là ngày “Thông khí” Trời Đất giao thoa với nhau, các đấng tối cao sẽ mở cửa cho các linh hồn đã khuất về với gia đình.

Tổng kết lại: Tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên là tín ngưỡng vô cùng tốt đẹp và là nét đặc trưng của người Á đông trong đó có người Việt chúng ta. Nó là niềm tin rằng người sống cũng như người chết, các đấng thần tiên đều có sự liên hệ mật thiết và hỗ trợ nhau. Con cháu thì thăm hỏi, khấn cáo chư vị Tôn thần, tiền nhân sinh thành dưỡng dục. Chư vị sẽ phù hộ độ trì cho gia đình sức khoẻ, bình an, hạnh phúc và gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống.

 Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi ! Chúc bạn có một ngày an lành và gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống  

Nếu các bạn còn hứng thú về chủ đề này thì tìm hiểu thêm một số nội dung có liên quan dưới đây:

- Cách sắp xếp bố trí bàn thờ Tổ tiên, ý nghĩa 3 bát hương, hình thức hành lễ và các văn khấn…

* Dịch vụ tư vấn sắp xếp hướng bàn làm việc, phòng giám đốc Chuẩn phong thuỷ

Online ---> Tại đây

* Dịch vụ xem ngày khai trương cửa hàng, văn phòng công ty, an bàn thờ Thần Tài

Online
 ---> Tại đây

* Dịch vụ xem ngày giờ động thổ, thượng lương, khánh thành Chuẩn phong thuỷ

Online
 ---> Tại đây

0976 92 98 96