amp-auto-ads

Cách sắp xếp bàn thờ tổ tiên, vì sao lại có 3 bát hương trên bàn thờ


 

❤ Trên bàn thờ gia tiên lại có 3 bát hương, ý nghĩa là gì ? cách sắp xếp bố trí bàn thờ Tổ tiên, hình thức hành lễ và văn khấn...

  Với đạo lý uống nước nhớ nguồn nên việc thờ cúng tổ tiên thành nét văn hoá tín ngưỡng hết sức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xuất phát từ lòng hiếu kính nhớ ân thâm nghĩa trọng, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người chúng ta ngay từ lúc còn thơ bé:

" Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc từ đâu ?

Có cha có mẹ rồi sau có mình "

3 bát hương trên bàn thờ ý nghĩa gì

Cách sắp xếp bố trí bàn thờ Tổ tiên (Gia tiên) 

  Việc thờ cúng sao cho chuẩn chỉ nét văn hoá cha ông để lại cũng như việc nên tìm hiểu ý nghĩa tín nguỡng thờ tự là rất cần thiết trong mỗi con người chúng ta để làm gương cho lớp lớp con cháu dõi theo thực hiện.

1. Cách sắp xếp bố trí Bàn thờ tổ tiên thuần Việt.

  Trong gia đình đa số người Việt thường có một bàn thờ tổ tiên ông bà (hay còn gọi là bàn thờ ông Vải). Tuỳ theo văn hoá tập tục từng địa phương, từng nhà mà cách trang trí và sắp đặt bàn thờ khác nhau. Bàn thờ là thế giới thu nhỏ của người đã khuất, là nơi con cháu tưởng nhớ, tạc sâu dấu ấn thể hiện sự biết ơn của mình đối với những người thân yêu đã khuất. 
  Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng trong nhà hoặc bố trí 1 phòng riêng biệt. Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố, chỗ thắp nến... Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã. Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ… 

* Bố cục đặc trưng của một Bàn thờ của nguời Việt thường có gồm: 

  Phía trên bố trí 1 câu Hoàng bằng chữ Nôm “Ghi ngắn gọn về chốn thờ tự, ví dụ: đại tự (大佀)” đựoc vít vào tường; Hai bên trái phải là 2 câu đối “Ý nghĩa kể về công ơn sinh thành dưỡng dục” được gắn vào tường hoặc cột. Chính giữa là một chiếc bàn thờ làm bằng gỗ được chia làm 2 cấp cao khoảng 1,5 và cấp thứ 2 là 1,2m.
- Cấp thứ nhất: Dùng để 01 ngai (hoặc hương án); các ảnh thờ (nếu có); Lư đồng; Bình hương lớn bằng sứ hoặc đồng, trong đó có để cát hoặc tro ở trong, ở giữa cắm trụ sắt cao để đặt hương vòng. Hai bên có 2 cây đèn điện, bật khi cúng lễ. Cũng có thể bố trí thêm 02 con hạc đồng hoặc gỗ. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, hương là tinh tú. 
- Cấp thứ hai: Chính giữa đặt 1 cái ngai (đôn) có 3 cấp, chính giữa là cấp cao nhất ta để 1 bát hương Lớn nhất (bát hương thờ chư vị tôn thần), phía bên phải cấp thấp hơn khoảng 3cm để 1 bát hương lớn thứ hai (bát hương thờ cộng đồng tổ tiên), phía bên trái cấp thấp hơn tiếp 3cm ta để 1 bát hương thứ 3 bé hơn (bát hương thờ bà cô ông mãnh).  Phía hai bên 3 bát hương để dịch lên phía trước ta bố trí 2 cây giá đèn dùng để cắm nến, 02 lọ thường cắm hoa cúc giấy hay cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với cầu mong làm ăn được quả vàng, quả bạc, buôn may bán mắn, 02 lọ dùng để cắm hương. Phía trước 3 bát hương cách khoảng 20 ~ 25 cm là không gian dùng để bày biện (chính giữa là chỗ đĩa đặt đồ hoa quả, đĩa cau trầu, đĩa tiền vàng mã, lọ hoa tươi, 03 đĩa nhỏ đựng 9 chén nước bé, 03 chén rượu). Ngoài ra nhiều nhà còn bày biện thêm trên bàn thờ một số vật dụng sau: 1 hũ muỗi nhỏ, 1 hũ trà nhỏ, 1 hũ nước nhỏ, 1 chai rượu nhỏ, 1 lọ kẹo nhỏ; Gói bánh hay bia rượu, thuốc lá…Ngày tết thường đặt 02 cây Mía đặt ở hai bên bàn thờ là để các cụ chống gậy về với con cháu, dẫn linh hồn tổ tiên từ trên trời về hạ giới…
03 bát hương trên bàn thờ có ý nghĩa gì

03 bát hương trên bàn thờ có ý nghĩa gì ?

2. Ý nghĩa của 03 bát hương trên bàn thờ là gì ?

  Trên bàn thờ chúng ta Bát hương là vật linh thiêng nhất, giữ vai trò rất quan trọng và cũng là dụng cụ dùng để cắm hương mỗi khi gia chủ tưởng nhớ đến các vị thần linh và ông bà tổ tiên, những người thân đã khuất. Thông thường trên bàn thờ truyền thống thường có 03 bát hương theo đúng chuẩn phong thủy và đầy đủ số lượng về mặt tâm linh. Trên thực tế nhiều người còn chưa biết đến ý nghĩa của điều này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé !
- Bát hương lớn nhất để ở giữa là bát hương thờ Chư vị tôn thần (Hoàng thiên, Hậu thổ, Thái tuế, táo quân, thổ công, thổ địa, thành hoàng làng và các chư vị thánh thần khác…). Bởi văn hoá dân tộc chúng ta được thừa hưởng chủ yếu từ sự đồng hoá của người Trung quốc từ ngàn năm về trước, nên có sự tương đồng trong tín ngưỡng của “Đạo giáo” (đây là đạo phái lớn nhất của người Hoa, lấy thuyết “Tam thanh” và “bảng Phong thần” làm gốc rễ tạo nên vũ trụ, thể hiện rõ nhất ở bộ Phim “Tây du ký” mà các bạn đã xem: Ngọc hoàng, Thái thượng lão quân, Thái tuế quan hành khiển,Táo phủ thần quân, Thiên lôi, Diêm vương, Long vương, Thần tài…), ý nghĩa của bát hương này là thờ các chư vị Tôn thần đó.
- Bát hương lớn thứ 2 để phía bên phải (nhìn ngoài vào) là dùng để thờ cộng đồng Gia Tiên 5 đời (ngũ đại đồng đường) của chúng ta. Nếu ta khấn chung chung thì ta khấn là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ nội ngoại Gia Tiên, trong đó: Tằng tổ khảo (ông cố), Tằng tổ tỷ (bà cố), Hiền tổ khảo (ông nội), Hiền tổ tỷ (bà nội), Hiền khảo (bố), Hiền tỷ (mẹ), Bá thúᴄ Cô Di, Tỷ Muội (bác,cô,chú,dì), Thế huynh, thế đệ, thế tỷ, thế muội (anh trai, em trai, chị gái, em gái). 
- Bát hương thứ 3 (bé nhất) để phía bên trái (nhìn ngoài vào) là dùng để thờ Bà Cô, Ông Mãnh, tức là những hương linh chết khi còn bé (chết non), khi còn trẻ (chưa lập gia đình).

Cách bố trí 3 bát hương trên bàn thờ 1

Cách bố trí 3 bát hương trên bàn thờ

- Khi ta đặt bát hương nên quan sát kỹ: Thường bát hương được làm bằng Gốm sứ hoặc đồng, được trang trí 2 con Rồng quấn quang chầu vào 1 hình Tứ tượng (biểu thị cho việc Song long chầu Ngọc). Vì vậy, sau khi nạp cốt (7 món gồm: Vàng, bạc, ngọc, thạch anh,hổ phách,quế, hoa hồi) và ta đổ tro hay cát vào, khi đặt bát hương lên đôn (một vật làm bằng gỗ chế tạo giật làm 3 cấp cao thấp, mỗi cấp chênh nhau 3 cm) thì mặt viên Ngọc và 2 đầu Rồng được vẽ trên bát hương luôn luôn phải quay ra phía ngoài.

4 Một số lưu ý quan trọng về lễ nghĩa khi cúng khấn.

- Sau khi tàn một nửa tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là hoá vàng, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất.
- Chiếc Mâm to đựng cỗ, chiếc mâm bé bày hương hoa trong ngày giỗ. Có thể thay thế chiếc ngai (chiếc ỷ) bằng chiếc “Thần chủ” để tổ tiên thuộc hàng cao có thể kiểm soát con cháu thờ cúng. 
- Việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9, 11,… mà tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6, 8, 10,… Người ta quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). 
- Hương thẳng gồm 2 phần: chân hương màu hồng đỏ, bụi hương thơm dùng để thắp chính. Còn có một loại hương vòng bao gồm nhiều vòng hương, có buộc dây, được đặt trên que sắt trong bình hương thường được dùng khi có ngày lễ tết. 
- Khi thắp hương, người ta phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, méo hay siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn xuống có thể gây cháy những đồ lễ vật trên bàn thờ hoặc gây Hỏa hoạn.
- Khi cắm hương ta cắm theo thứ tự, cắm vào bát hương chính giữa trước, tiếp đến là phía bên phải, tiếp nữa mới đến bát hương bên 
- Trước khi tiến hành nghi lễ thờ cúng, gia chủ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước cây cỏ có mùi thơm. Sau đó người thực hiện việc cúng phải mặc quần áo chỉnh tề thường thì quần áo mà gia chủ mặc là đò trắng. tuy nhiên trong xã hội hiện đại ngày nay thì chỉ cần ăn mặc chỉnh tề và người ta ít quan tâm hơn đến cách ăn mặc trong những lễ cúng.
- Cách thức vái: Vái thường được áp dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường hợp đang hành lễ gì… mà người ta vái 2,3,4, hay 5 vái. 
- Cách thức Lạy: Lạy là hành động bày tỏ lòng tôn kính chân thành với tất cả tâm hồn và thể xác đối với người trên hay người quá cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. 
+ Thế lạy thứ nhất của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra. Thế lạy kiểu thứ 2 của đàn ông: Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững vàng (sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng bằng cho khỏi ngã). 
+ Thế lạy thứ nhất của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết. Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy. Thế lạy kiểu thứ 2 của các bà là: áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. 

5. Lễ vật khấn và văn khấn trước bàn thờ tổ tiên

  Ý nghĩa sâu xa của việc cúng lễ là đạt đến đỉnh cao của Chân-Thiện- M. Việc cúng lễ không cần cầu kì, cốt yếu ở việc thành tâm

a) Lễ vật bày biện trên bàn thờ gia tiên

  Lễ vật bày biện đặt trên bàn cúng không nhất thiết là sơn hào hải vị, tuỳ vào điều kiện của gia đình mà bày biện cho hợp lý, quan trọng là mình biết gửi gắm tâm tư vào những lễ vật thờ cúng. Chỉ lưu ý một số điều sau:
- Thịt động vật để cúng gia tiên là những động vật mà con người cho là “thịt sạch”. Theo đó những con vật có đặc tính xấu bị loại bỏ trong cúng tế. Ví dụ: Con vịt lạch bạch không bay xa là so sánh của người chậm chạp… cá mè, cá trê, lươn, chạch vv… không được xem là những đồ lễ sạch vì chúng sống dưới bùn nhơ hoặc tanh tưởi hay có màu đen màu của tang tóc. Con chó – một con vật nuôi cực kì thân gần với người, nhưng đồ ăn từ thịt chó lại bị xem là những thứ không tinh sạch, bởi chó ăn chất thải không thể dùng trong tế lễ.
- Những con vật được dùng là lễ cúng Gà và lợn là những đồ lễ quan trọng của người Việt trong mọi nghi lễ: tục thờ cúng tổ tiên, thành hoàng, thổ thần, cúng trời đất… Người Việt cũng dùng cá để dâng cúng, những loài cá được xem là sạch, được dâng cúng thường xuyên là cá chép, cá trắm
- Nếu cúng bằng hoa quả thường chúng ta bày thành số lẻ: 3 loại quả hoặc 5 loại quả. Quả cúng phải là quả chúng ta ăn được, quả cúng không được dùng quả xanh (nên dùng quả ương hoặc đã chín), quả cúng phải còn tươi, không dập nát hay hư hỏng. khi chúng ta rửa quả thì nên rửa trực tiếp từng loại qua ròi nước chảy (để loại bỏ hoá chất dư thừa trên quả).
- Cau và trầu phải xanh tươi, còn cuống, trên lá trầu quét 1 ít vôi lây đấy, bỏ vào 1 đĩa nhỏ riêng biệt.
- Hoa cúng là hoa tươi, không nhất thiết là hoa gì nhưng thường thường thì ta hay cúng một số loài hoa như Cúc vàng trắng, hoa Huệ, hoa Lay ơn…Hoa cúng thường từ 3 bông, 5 bông, 7 bông, 9 bông, là số lẻ.

b) Văn cúng trên bàn thờ gia tiên

  Trước khi đứng trước bàn thờ chúng ta nên ăn mặc chỉnh tề, đầu toác gọn gàng, đứng nghiêm trang thể hiện lòng thành kính.

  Văn cúng thì rất đa dạng, tuỳ thuộc vào nhân ngày lễ gì để ta đọc. Bạn đọc theo bài đã soạn sẵn cũng tốt. Trường hợp bạn hay khấn Nôm, khấn từ tâm thì bạn có thể khấn theo lối như sau:

- Lối khấn đơn giản:
Kính thưa Hoàng thiên hậu thổ cùng các chư vị Tôn thần, các vị thánh nhân cai quản chúng con trên trạch đất này.
Kính thưa cộng đồng Gia tiên, bà cô, ông mãnh, ông bà, cha mẹ…
Hôm nay là ngày…..tháng ….. năm….. (âm lịch), là ngày (ngày lễ gì thì khấn đó, vd bạn cúng ngày cuối tháng thì khấn: Ngày 30/6/2022 (âm lịch) là ngày cuối tháng sáu và ngày mai là ngày Sóc của tháng 7).
Gia đình chúng con có chút lễ mọn Hoa quả, cau trầu, tiền vàng, rượu trắng với lòng thành chúng con kính dâng lên chư vị Tôn thần cùng cộng đồng gia tiên, bà cô ông mãnh.
  Trước tiên, con thay mặt gia đình cảm ơn chư vị thánh thần và gia tiên đã phù hộ độ trì cho chúng con bấy lâu này mọi sự được trọn vẹn. Cảm ơn gia tiên đã sinh sinh thành và dưỡng dục con cháu nên người để chúng con có được như ngày hôm nay.
Thay mặt gia đình con cũng thành khẩn mong cầu chư vị thánh thần và cộng đồng gia tiên tiếp tục phù hộ độ trì cho đại gia đình chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, các cháu hay ăn chóng lớn học hành thông suốt, con cái gặp nhiều may mắn trong công việc hàng ngày.
Con xin chân thành cảm ơn !

- Lối khấn theo lối xưa ngày giỗ:

 Duy …..quốc…..Tỉnh/Thị xa…. trang/gia tại… (số nhà). Việt lịch thứ 488…, thử nhật … (ngày âm lịch) húy nhật  gia phụ/mẫu/Tằng tổ v.v. là Hiển khảo/Tỷ.. (tên…..) (cho đàn bà thì là hiển tỷ;  với ông nội ngọai thì thêm chữ tổ – hiển tổ khảo/tỷ), Hiếu tử/nữ/tôn v.v là (Tên) tâm thành kính cáo thành hoàng và thổ thần bản địa, tiền chủ tiếp dẫn gia phụ mẫu/cô di v.v. (Người được giỗ hôm nay) đồng cung thỉnh Cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, liệt vị tổ tiên, hiển tổ khảo, hiển tổ tỷ, cô di tỷ muội, nội ngoại đồng giai lâm, tọa ngự linh sàn chứng giám. Cẩn cáo.
Con cháu chúng con có chút lễ mọn lòng thành, Cỗ xôi con gà, hoa quả cau trầu cùng quần áo tiền vàng bánh kẹo kính dâng lên chư vị. Trước tiên là con thay mặt gia đình cảm ơn chư vị thánh thần và gia tiên đã phù hộ độ trì cho chúng con bấy lâu này mọi sự được trọn vẹn. Cảm ơn gia tiên đã sinh sinh thành và dưỡng dục con cháu nên người để chúng con có được như ngày hôm nay.
Thay mặt gia đình con cũng thành khẩn mong cầu chư vị thánh thần và cộng đồng gia tiên tiếp tục phù hộ độ trì cho đại gia đình chúng con được mạnh khoẻ, hạnh phúc, các cháu hay ăn chóng lớn học hành thông suốt, con cái gặp nhiều may mắn trong công việc hàng ngày.

- Các bài văn khấn khác (tuỳ theo nghi lễ) bạn có thể tham khảo cụ thể chi tiết ---->Tại đây.

 Cảm ơn bạn đã quan tâm theo dõi ! Chúc bạn có một ngày an lành và gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống  

Nếu các bạn còn hứng thú về chủ đề này thì tìm hiểu thêm một số nội dung có liên quan dưới đây:

👉- Tổ tiên ông bà là ai ? Nét văn hoá tín ngưỡng thờ tự của người Việt
👉- Các chủ đề về tín ngưỡng và ứng dụng Phong thuỷ trong cuộc sống

* Dịch vụ tư vấn sắp xếp hướng bàn làm việc, phòng giám đốc Chuẩn phong thuỷ

Online ---> Tại đây

* Dịch vụ xem ngày khai trương cửa hàng, văn phòng công ty, an bàn thờ Thần Tài
Online ---> Tại đây

* Dịch vụ xem ngày giờ động thổ, thượng lương, khánh thành Chuẩn phong thuỷ
Online ---> Tại đây

0976 92 98 96